Ngành Công Thương: Bước tiến dài sau 50 năm thống nhất đất nước

Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-buoc-tien-dai-sau-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-385435.html
Ngành Công Thương chủ động ứng phó với thiên tai Chuyện chưa kể về ngành Công Thương thời chống Mỹ Vài phác thảo về những người sinh năm 1975 làm việc trong ngành Công Thương

Vượt qua thử thách, đặt nền móng cho phát triển

Giai đoạn sau thống nhất, ngành Công Thương phải đối mặt với vô vàn khó khăn: Cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, hoạt động thương mại bị hạn chế bởi cơ chế bao cấp. Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, từng bước phục hồi kinh tế sau chiến tranh.

Ngành Công Thương: Bước tiến dài sau 50 năm thống nhất đất nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký kết Hiệp định CEPA. Ảnh: VGP

Bước ngoặt lớn của nền kinh tế đất nước và cũng là của ngành Công Thương được ghi dấu từ công cuộc đổi mới năm 1986, khi cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập. Ngành Công Thương bắt đầu tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ, mở cửa thị trường, thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, từ đó dần thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài.

Công nghiệp và hội nhập: Từ nền tảng đến bứt phá

Sau 50 năm, ngành công nghiệp Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Từ một nền công nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, đến nay Việt Nam đã hình thành được nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo… Trong đó, công nghiệp chế biến – chế tạo hiện đóng góp gần 25% GDP, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao được phát triển trên khắp cả nước, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia. Sự hiện diện của các thương hiệu toàn cầu đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 8,4% so với năm trước, mức cao nhất kể từ năm 2020, vượt mục tiêu đề ra từ 7 – 8%. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thu hút tổng cộng 502,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó 308,76 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương là lực lượng tiên phong, chủ công trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… gắn kết Việt Nam với trên 60 nền kinh tế lớn không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thương mại bùng nổ trong thời kỳ hội nhập sâu rộng

Từ kim ngạch xuất khẩu chỉ vài trăm triệu USD trong những năm đầu thống nhất, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 nền kinh tế thương mại hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 vượt mốc 730 tỷ USD. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Thặng dư thương mại đạt 23,75 tỷ USD, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu và hiệu quả trong quản lý nhập khẩu.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại của hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực để nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và cải cách thể chế. Thương mại nội địa cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực. Mạng lưới phân phối phát triển nhanh chóng, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Năng lượng: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Nửa thế kỷ qua cũng là hành trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng – trụ cột quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ chỗ thiếu thốn, phụ thuộc, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội và đang bước vào giai đoạn chuyển đổi xanh đầy kỳ vọng.

Ngành Công Thương: Bước tiến dài sau 50 năm thống nhất đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ và động viên người lao động thi công đường dây 500kV mạch 3

Nếu như giai đoạn 15 năm sau chiến tranh cho đến năm 1990, hệ thống năng lượng quốc gia rơi vào tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng thì chỉ trong vòng 20 năm từ 1991 đến 2010, ngành năng lượng đã thực sự bứt phá nhờ đà công nghiệp hóa và đầu tư lớn. Nhiều công trình điện lớn được đưa vào vận hành, tạo bước ngoặt về năng lực cung ứng điện. Hệ thống điện quốc gia hình thành liên kết Bắc – Trung – Nam. Tỷ lệ hộ dân có điện tăng nhanh chóng, đạt trên 90% vào cuối những năm 2000.

Đi sâu phát triển bền vững và hướng tới năng lượng sạch là đặc trưng lớn của ngành năng lượng trong vòng 15 năm trở lại đây. Tốc độ tiêu thụ điện tăng trung bình 10%/năm, kéo theo nhu cầu mở rộng quy mô phát điện và hiện đại hóa hệ thống lưới điện.

Ngành Công Thương: Bước tiến dài sau 50 năm thống nhất đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Đặc biệt, từ năm 2018, Việt Nam chứng kiến bùng nổ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Chỉ trong vòng vài năm, hàng chục GW công suất từ năng lượng tái tạo được bổ sung vào hệ thống, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tổng công suất lắp đặt điện của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 80 GW, với mục tiêu tăng lên 183-236 GW vào năm 2030. Kế hoạch này bao gồm việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, với công suất dự kiến 6,4GW vào năm 2035 và thêm 8 GW vào giữa thế kỷ.

Cùng với đó, Luật Điện lực, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII (ban hành năm 2023, điều chỉnh năm 2025) đã đặt nền tảng cho phát triển hợp lý và chủ động về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và nhập khẩu điện.

Bước vào giai đoạn mới, ngành Công Thương Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại và thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quang Lộc

Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-buoc-tien-dai-sau-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-385435.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *