Lý do ACV đề xuất lắp điện mặt trời mái nhà tại các sân bay

Nguồn: https://congthuong.vn/ly-do-acv-de-xuat-lap-dien-mat-troi-mai-nha-tai-cac-san-bay-388746.html
Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ Bước tiến vượt bậc của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Mới đây, Tổng công ty ACV đã trình lên Bộ Xây dựng và Cục Hàng không Việt Nam đề xuất triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà tại hàng loạt sân bay lớn trên cả nước như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và trong tương lai là sân bay Long Thành.

Lý do và lợi ích

Theo ACV, các sân bay lớn của Việt Nam hiện có mức tiêu thụ điện năng rất cao, đặc biệt trong các hoạt động vận hành nhà ga, hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng và thiết bị an ninh. Trong bối cảnh chi phí điện ngày càng gia tăng và nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng theo tốc độ phát triển hàng không, việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế là nhu cầu cần thiết.

ACV cũng đã thực hiện khảo sát về bức xạ mặt trời, số ngày nắng trung bình trong năm tại các sân bay và cho rằng việc khai thác tiềm năng điện mặt trời tại các sân bay là khả thi vì nó không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và an toàn hàng không.

Đặc biệt, nó còn mang lại lợi ích nhiều mặt. Theo đó, ACV dự kiến triển khai mô hình điện mặt trời áp mái theo hướng “tự sản, tự tiêu”, nghĩa là điện được tạo ra sẽ sử dụng trực tiếp cho các hoạt động trong sân bay mà không phụ thuộc hoàn toàn vào lưới điện quốc gia.

Lợi ích mà hệ thống điện mặt trời mang lại không chỉ giảm tải cho hệ thống điện mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Cụ thể, các tấm pin trên mái các công trình có tác dụng giảm nhiệt; nguồn điện có thể sử dụng cho thắp sáng và hệ thống điều hoà không khí, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí điện năng của sân bay.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà cũng góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngành hàng không trong lộ trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.

Việc triển khai điện mặt trời vì thế không chỉ phù hợp với xu thế toàn cầu mà còn góp phần thực thi các chính sách quốc gia về phát triển bền vững. Trong đó có Luật Điện lực, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Trên thực tế, năm 2021, hệ thống điện mặt trời mái nhà công nghiệp SCSC – CMES ga hàng hóa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) có công suất 1,1 MWp đã được lắp đặt trên tổng diện tích hơn 7.500 m2.

Lý do ACV đề xuất lắp điện mặt trời mái nhà tại các sân bay
Sân bay quốc tế Nội Bài

Kinh nghiệm từ quốc tế

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã lắp đặt điện mặt trời tại sân bay và mang lại hiệu quả. Đơn cử như tại Ấn Độ, sân bay quốc tế Cochin (CIAL) đã trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Tại đây, 7 nhà máy năng lượng mặt trời, một bãi đỗ xe năng lượng mặt trời và các tấm pin mặt trời đã được lắp đặt với công suất thiết kế là 50 MW và đang tiếp tục mở rộng.

Tại Mỹ, sân bay quốc tế Denver và sân bay San Diego cũng triển khai hệ thống điện mặt trời với công suất hàng MW nhằm giảm chi phí năng lượng và phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, sân bay quốc tế Chubu (Nhật Bản) đã ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà ga kết hợp với hệ thống lưu trữ năng lượng để đảm bảo vận hành ổn định.

Tại châu Âu, sân bay Amsterdam Schiphol (Hà Lan) và sân bay Frankfurt (Đức) cũng đã lắp đặt hàng chục nghìn tấm pin mặt trời. Không chỉ phục vụ nhu cầu năng lượng, các sân bay này còn tích cực chia sẻ dữ liệu vận hành nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Ở khu vực Đông Nam Á, năm 2024, sân bay Changi của Singapore cũng đã lắp đặt điện mặt trời trên mái các tòa nhà ga cùng với mái các cấu trúc phụ trợ và kho hàng. Khi đi vào hoạt động sẽ có khoảng 43MW, dự kiến tạo ra lượng điện mặt trời “đủ để vận hành hơn 10.000 căn hộ 4 phòng mỗi năm”. Hệ thống cũng giúp cắt giảm khoảng 20.000 tấn carbon phát thải của tập đoàn sân bay Changi hằng năm.

Trong đề xuất của mình, ACV kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để đảm bảo việc triển khai phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật và quy hoạch hiện hành. Hiện, Bộ Xây dựng và các cơ quan chuyên ngành xem xét. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là bước tiến quan trọng không chỉ đối với chiến lược phát triển của ACV mà còn là dấu mốc cho ngành hàng không Việt Nam trong tiến trình giảm phát thải và hội nhập xu thế phát triển bền vững toàn cầu.
Nguyên Vũ

Nguồn: https://congthuong.vn/ly-do-acv-de-xuat-lap-dien-mat-troi-mai-nha-tai-cac-san-bay-388746.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *