Địa phương cần sáng suốt khi lựa chọn nhà đầu tư dự án điện
(Chinhphu.vn) – Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tiến độ các dự án được xem là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, phải áp “kỷ luật thép” để bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư. Điều này đòi hỏi các địa phương phải rất sáng suốt lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, cả về kỹ thuật lẫn tài chính.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án – Ảnh: Báo Công Thương
Ngày 28/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 điều chỉnh.
Địa phương cần sáng suốt lựa chọn nhà đầu tư
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Do đó, các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo rà soát, cập nhật các nguồn lưới điện nhằm bảo đảm phù hợp với nội dung quy mô công suất tăng thêm trong Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
“Chúng tôi đã tạo một khuôn khổ pháp lý rất năng động, thuận lợi cho các địa phương”, ông nói và đề nghị địa phương khẩn trương phê duyệt các chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo thẩm quyền, bố trí quỹ đất cho các công trình, dự án điện.
Theo Bộ trưởng, tiến độ các dự án được xem là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, phải áp “kỷ luật thép” để bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư. Điều này đòi hỏi các địa phương phải rất sáng suốt lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, cả về kỹ thuật lẫn tài chính.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án. Khi đã được đưa vào trong quy hoạch để cung cấp điện thì “khó mấy cũng phải làm, còn nếu không làm được thì đứng sang một bên”. Bởi, không thể gắn an ninh năng lượng quốc gia vào các nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu.
Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho dự án năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 233 của Chính phủ. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát chủ đầu tư để đảm bảo đúng tiến độ các dự án trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, chủ động đề xuất thay thế các dự án chậm tiến độ bằng dự án khác khả thi hơn.
Khung giá điện phải hấp dẫn
Để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn mỗi năm khoảng 16 – 18 tỷ USD từ nay đến 2035, sau đó còn cao tới 20 tỷ USD/năm, Bộ Công Thương yêu cầu ngành điện phải thay đổi về giá điện, mức khung giá lần đầu đưa ra làm sao phải phản ánh được thị trường, phải đủ hấp dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến rộng rãi nội dung cốt lõi của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai những dự án nguồn và lưới điện. Từ đó, kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm tiến độ theo quy hoạch được phê duyệt.
“Cục Điện lực phải phân nhóm theo dõi từng địa phương để cập nhật tiến độ triển khai các dự án theo từng tháng, từng quý. Kiên quyết không có xin – cho, không thông cảm… vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng”, Bộ trưởng lưu ý.
Mục tiêu cao nhất
Ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Điện lực đã công bố Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Theo đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050.
Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 – 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 – 1.375,1 tỷ kWh.
Điện sản xuất và nhập khẩu, năm 2030 đạt khoảng 560,4 – 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 – 1.511,1 tỷ kWh.
Công suất cực đại, năm 2030 khoảng 89.655 – 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 – 228.570 MW.
Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Phan Trang