Giải pháp nào để thu hút FDI vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Nguồn: https://nhadautu.vn/giai-phap-nao-de-thu-hut-fdi-vung-dong-bang-song-cuu-long-d94975.html

Giải pháp nào để thu hút FDI vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

LIÊN THƯỢNG
15:29 04/04/2025

Theo các chuyên gia, ĐBSCL cần tập trung đa dạng hoá kinh tế, thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là giao thông và logistics, cải thiện chính sách thu hút đầu tư, đào tạo lao động và ứng dụng công nghệ cao và liên kết vùng.

Ảnh minh hoạ: VGP.

Vì sao FDI vào ĐBSCL thấp?

Dữ liệu từ Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, hiệu quả đầu tư tại ĐBSCL trong giai đoạn 2014 – 2023 có dấu hiệu suy giảm so với giai đoạn trước (từ 2001 – 2013). Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của vùng tăng lên 3,6, cao hơn mức trung bình 3,2 của cả nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đầu tư suy giảm bao gồm hạn chế về cơ sở hạ tầng; Chi phí đầu tư cao do nền đất yếu và thiếu nguyên vật liệu xây dựng; Chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ; Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu; bất cập trong chính sách và quy hoạch; Thiếu hụt lao động tay nghề cao và công nghệ cũng như phụ thuộc quá mức vào các ngành truyền thống có giá trị gia tăng thấp.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, FDI vào ĐBSCL vẫn ở mức thấp.

“Năm 2024, ĐBSCL thu hút được 142 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa tới 2% tổng vốn FDI của cả nước, thấp hơn đáng kể so với vùng khác. FDI chỉ chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng, thấp hơn mức 16,3% cả nước. Những rào cản chính khiến ĐBSCL khó thu hút FDI là do hạn chế về cơ sở hạ tầng, chi phí đầu tư cao, quy mô thị trường nhỏ, thiếu lao động kỹ năng và rủi ro biến đổi khí hậu”, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết.

Theo vị chuyên gia này, cả khu vực tư nhân lẫn FDI đều chưa đóng vai trò là động lực có tính bứt phá cho cả sự phát triển ngành chế biến chế tạo ở ĐBSCL. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm công nghiệp của vùng phụ thuộc nhiều vào chế biến nông sản, chưa có sự đa dạng hoặc mở rộng.

Trong khi đó, ngành năng lượng lại là điểm sáng khi thu hút một lượng vốn đáng kể, nhờ vào chính sách giá FiT ưu đãi điện gió và điện mặt trời. Nhờ vậy, giai đoạn 2019-2021, chứng kiến sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, với vốn đầu tư đạt từ 17.000 – 43.000 tỷ/năm. Tuy nhiên, sau đó, chính sách FiT hết hạn và chưa có cơ chế mới, đầu tư vào NLTT giảm, còn khoảng 17.900 tỷ đồng trong năm 2023.

“Để cải thiện hiệu quả đầu tư, ĐBSCL cần tập trung đa dạng hoá kinh tế, thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là giao thông và logistics, cải thiện chính sách thu hút đầu tư, đào tạo lao động và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời cần thúc đẩy liên kết vùng để vận dụng tốt hơn các cơ hội từ thị trường trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tạo động lực tăng trưởng bền vững”, chuyên gia cho biết

Thu nhập người dân không chủ yếu từ nông nghiệp, sợ “chảy máu” lao động

Theo các chuyên gia, năm 2010, 67% thu nhập của người dân đến từ nông nghiệp, nhưng đến năm 2022 còn khoảng 29%. Điều đó cho thấy tỉ trọng thu nhập từ nông nghiệp của người dân ĐBSCL giảm một nửa so với hơn 10 năm trước. Đây là sự thay đổi cơ cấu rất rõ nét, rất tích cực bởi người dân đã tìm được những cơ hội bên ngoài nông nghiệp và những cơ hội tạo ra thu nhập cao hơn, ổn định hơn, không bị tác động quá nhiều của biến đổi khí hậu.

“Thu nhập từ tiền lương 10 năm trước là 31%, hiện nay tăng lên 66%, như vậy thu nhập của người dân ĐBSCL bây giờ chủ yếu đến từ thu ngập ngoài nông nghiệp và tiền lương”, ông Vũ Thành Tự Anh khẳng định.

Tuy nhiên, tỉ lệ tăng thu nhập hộ gia đình từ năm 2010 đến năm 2022 của ĐBSCL thuộc nhóm thấp nhất (24,4%), chỉ bằng một nửa so với bình quân cả nước. Điều này cho thấy mặc dù có sự thay đổi tích cực về cơ cấu thu nhập nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập chỉ bằng một nửa so với mặt bằng chung cả nước.

“Đó là lí do vì sao nơi này bị tụt hậu và người dân ĐBSCL tiếp tục di cư đến các vùng khác tìm sinh kế. Nên biết, đây là vùng duy nhất cả nước trong 10 năm qua dân số về mặt tuyệt đối không thay đổi (xấp xỉ 13 triệu người). Tôi nghĩ nếu không giải quyết vấn đề đầu tư, vấn đề về cơ hội kinh tế thì sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng di cư của người dân ra khỏi ĐBSCL”, ông nói.

Vị chuyên gia này cho biết, tính chung khu vực, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, khi có đến 57% lực lượng lao động chỉ hoàn thành tối đa bậc tiểu học.

Về mặt tích cực, xuất khẩu của toàn vùng ĐBSCL tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua, với thặng dư thương mại đạt hơn 14,4 tỉ USD, chiếm 58% tổng thặng dư thương mại cả nước.

Trong đó Long An và Tiền Giang dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu nhờ vào các mặt hàng công nghiệp chế biến – chế tạo, với mức tăng thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi tỉnh.

Riêng Long An ghi nhận kim ngạch xuất khẩu năm ngoái vượt 7,8 tỷ USD, trong khi Tiền Giang đạt hơn 6,5 tỉ USD.

Theo báo cáo kinh tế thường niên vừa công bố, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong sáu vùng kinh tế xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.

Nguồn: https://nhadautu.vn/giai-phap-nao-de-thu-hut-fdi-vung-dong-bang-song-cuu-long-d94975.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *