Tập đoàn Hà Đô và rủi ro liên quan dự án năng lượng tái tạo
Tập đoàn Hà Đô phải điều chỉnh giảm hơn 300 tỷ lợi nhuận 2024 xuống 447 tỷ do dự án Hồng Phong 4. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ 2017.

Bốc hơi 300 tỷ lợi nhuận vì vi phạm dự án điện mặt trời
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2024. Tập đoàn ghi nhận doanh thu (gồm doanh thu tài chính, doanh thu khác) đạt 2.802 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,28% so với trước kiểm toán. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 40,6% xuống 447 tỷ đồng, tức “bốc hơi” 306 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải là do căn cứ tình trạng pháp lý của dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 và thực tế thu hồi công nợ, công ty đã đánh giá và tạm ước tính ảnh hưởng có thể đến tiền bán điện ghi nhận dự phòng trên BCTC hợp nhất.
Đáng lưu ý, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh đến người đọc báo cáo tập đoàn có một số dự án điện mặt trời đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát lại các điều kiện hưởng giá bán điện theo cơ chế giá khuyến khích. Theo đó, giá bán điện mà tập đoàn đang được áp dụng có thể bị ảnh hưởng.
Dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 (do công ty con của tập đoàn – Công ty Hà Đô Bình Thuận làm chủ đầu tư) là một trong số các dự án được đề cập trong Thông báo kết luận thanh tra số 3116/TB-TTCP ngày 25/12/2023 của Thanh tra Chính phủ về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cụ thể, Hà Đô Bình Thuận đã xây dựng nhà máy Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, vi phạm quy định tại các quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Bình Thuận (việc cho thuê đất trong thời gian này để các công ty thực hiện các trình tự thủ tục ký hơp đồng mua bán điện, tập kết vật tư thiết bị thi công, xin phép xây dựng, triển khai các thủ tục hành chính cho công việc phụ trợ khác).
Dự án cũng vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt, mặt bằng xây dựng chưa được bàn giao. Trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/7/2019 được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
Tiếp theo, dự án nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 (công ty con của tập đoàn – Công ty Surya làm chủ đầu tư) được đề cập trong danh sách 173 nhà máy được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá bán điện theo cơ chế giá khuyến khích đối với dự án điện mặt trời khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình của chủ đầu tư.
Ngày 12/12/2024, Bộ Công Thương đã có báo cáo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Theo đó, đối với dự án được hưởng giá FIT có vi phạm do không đáp ứng đầy đủ điều kiện hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định, thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát lại các điều kiện hưởng cơ chế giá FIT với chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời.
Dựa trên tình trạng pháp lý của dự án và thực tế thu hồi công nợ, tập đoàn đã đánh giá và tạm ước tính ảnh hưởng có thể có đến tiền bán điện của Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 để ghi nhận dự phòng trên BCTC hợp nhất. Song, với nhà máy điện mặt trời SP Infra 1, tại ngày lập BCTC hợp nhất, tập đoàn chưa nhận được bất kỳ kết luận chính thức nào từ các cấp có thẩm quyền liên quan nên Ban Tổng Giám đốc chưa có cơ sở chắc chắn để đánh giá ảnh hưởng lên báo cáo.
Khởi thủy mảng xây lắp, đến năm 1994, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và năm 2006 lấn sân mảng năng lượng. Vào năm 2021, tập đoàn thoái vốn mảng xây lắp, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính. Từ năm 2022, khi các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động và bất động sản đi xuống, mảng năng lượng trở thành trụ cột đem lại doanh thu chính cho tập đoàn.
Lợi nhuận thấp nhất 7 năm
So với năm 2023, doanh thu giảm 5% và lợi nhuận sau thuế giảm 48,37%. Trong cơ cấu doanh thu, mảng điện vẫn đóng góp phần lớn với 1.891 tỷ đồng, tỷ trọng gần 70%; bất động sản 415 tỷ và xây lắp 460 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, mảng điện mang về 712 tỷ đồng, bất động sản 117 tỷ và xây lắp, cho thuê 124 tỷ đồng; song bị điều chỉnh 507 tỷ đồng nên tổng lợi nhuận sau thuế chỉ còn lại 447 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm của tập đoàn.
Ban lãnh đạo tập đoàn từng kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm phục hồi và tăng trưởng lợi nhuận từ 20 – 25% nhưng không thực hiện được. Bên cạnh mảng năng lượng đi xuống thì tại mảng bất động sản, tập đoàn tiếp tục lùi kế hoạch mở bán các sản phẩm cuối cùng của dự án Hado Charm Villas sang năm 2025. Trước đó, tập đoàn có kế hoạch mở bán trong năm 2023 nhưng không thực hiện và để sang năm 2024. Doanh nghiệp lý giải việc này xuất phát từ chưa có nhu cầu sử dụng vốn trong khi nguồn tiền dự trữ hiện khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh thu bất động sản trong năm 2024 của tập đoàn chủ yếu đến từ bàn giao và ghi nhận hết các căn biệt thự tại dự án Charm Villas giai đoạn 2 trong nửa đầu năm.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, Hà Đô còn 108 căn ở giai đoạn 3 dự án Charm Villas chưa mở bán, công ty đặt kế hoạch sẽ mở bán từng phần trong thời gian sắp tới, giá cân đối tham chiếu theo các dự án lân cận (khoảng 115–150 triệu/m2). Tập đoàn chưa có quỹ đất có thể sẵn sàng để có thể triển khai nối tiếp sau Charm Villas, do các dự án vẫn còn vướng mắc thủ tục pháp lý, chủ yếu ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Với năm nay, lãnh đạo tập đoàn đánh giá hứa hẹn là năm đổi mới, các quyết sách của Chính phủ sẽ dần được đưa vào thực tế. Tập đoàn Hà Đô cũng kỳ vọng 2025 sẽ có thêm nhiều bước tiến mới trong việc mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như lĩnh vực năng lượng.
Vì vậy, Hà Đô đã đề ra các chiến lược cụ thể như kiện toàn bộ máy nhân sự, tháo gỡ vướng mắc tồn tại các dự án bất động sản trọng điểm, tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng. Nỗ lực tìm kiếm M&A các dự án. Tối ưu hóa vận hành các nhà máy năng lượng hiện có, mở rộng danh mục đầu tư dự án năng lượng mới.
Ở mảng bất động sản, Hà Đô cho biết các dự án vướng mắc pháp lý do không có yếu tố đất ở để triển khai đầu tư như dự án Linh Trung, Green Lane, Phan Đình Giót phải chờ hướng dẫn cụ thể của Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Hà Đô vẫn chú trọng tìm kiếm dự án mới với tình trạng pháp lý sẵn sàng để có thể triển khai gia tăng thêm quỹ đất, tạo động lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
Nguồn: https://nhadautu.vn/tap-doan-ha-do-va-rui-ro-lien-quan-du-an-nang-luong-tai-tao-d94982.html