Tin Công Thương 29/4: Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh Tin Công Thương 28/4: Nông sản Việt vào hệ thống bán lẻ quốc tế Tin Công Thương 5/5: Bảo đảm công bằng thuế trong thương mại điện tử |
Lĩnh vực năng lượng
Báo vtcnews.vn hôm nay ngày 6/5 đăng tải thông tin: “Chính phủ đề xuất Thủ tướng được quyết định chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân”
Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Phó Thủ tướng cho biết, sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 bộc lộ bất cập, hạn chế. Theo đó, Luật hiện hành chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý Nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ…
Vì vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí, đó là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước. Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân. Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, trong dự thảo Luật đã tăng phân cấp, phân quyền. Cụ thể, Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng, thay vì Quốc hội như theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công hiện hành.
Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung chính sách về xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trên báo thesaigontimes.vn đăng tin: “Gỡ ba nút thắt để năng lượng tái tạo tăng tốc phát triển”
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã mở đường cho năng lượng tái tạo nhưng tháo gỡ các nút thắt còn tồn tại, đặc biệt về pháp lý, hạ tầng và cơ chế giá điện mới là chìa khóa để biến tiềm năng thành hiện thực.
Theo một chuyên gia về năng lượng, số lượng dự án dự kiến đưa vào trong hơn 5 năm tới rất lớn, đòi hỏi nhân lực, thời gian để làm các thủ tục cần thiết như đấu thầu, chọn thầu, phê duyệt chủ trương đầu tư, thương thảo hợp đồng mua bán điện, giám sát, quản lý xây dựng và công nhận vận hành thương mại… Đây là thách thức với chính quyền địa phương và cả doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp làm nhiệm vụ cấp điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, có cập nhật và rà soát thường xuyên việc tiến độ triển khai.
Với các địa phương cần tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phê duyệt chủ trương, cấp đất… Đồng thời, các tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển, kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới khi thực hiệp hợp nhất các đơn vị hành chính nhằm thực hiện đúng quy hoạch.
![]() |
Ảnh minh họa |
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Báo Hà Nội mới đăng tin: “Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc”
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 6/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung thể chế hóa thực hiện các chính sách gồm: Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Mục đích là nhằm tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tạo cơ sở pháp lý để quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đơn giản tối đa thủ tục hành chính; chỉ thực hiện đánh giá một lần làm cơ sở cho việc công bố tránh chồng chéo, trùng lặp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc công bố hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí; bảo đảm thực hiện thống nhất ở các bộ chuyên ngành.
Báo Nhân Dân đưa tin: “Hướng dẫn chi tiết quy trình khai báo cấp C/O điện tử”
Từ ngày 5/5, Bộ Công thương chính thức là cơ quan duy nhất có chức năng cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Để thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn, Bộ Công thương đã cung cấp quy trình khai báo cấp C/O điện tử chi tiết.
Bộ Công thương đã cung cấp quy trình đăng ký tài khoản doanh nghiệp, đăng ký dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công thương, hướng dẫn khai báo C/O điện tử và hướng dẫn nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp có thể xem chi tiết hướng dẫn quy trình đăng ký tài khoản doanh nghiệp, đăng ký dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công thương, hướng dẫn khai báo C/O điện tử và hướng dẫn nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công thương cung cấp.
Báo Vietnamnet đăng tải thông tin: “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, vươn lên số 1″
Tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sụt giảm mạnh, phản ánh tác động của chính sách thuế quan đối ứng. Mỹ từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tụt xuống vị trí thứ ba, sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4/2025, xuất khẩu đạt 850,5 triệu USD, tăng 10%. Cụ thể, Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) vươn lên là thị trường dẫn đầu, đạt 709,8 triệu USD trong 4 tháng qua, tăng 56%. Cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Tháng 4 vừa qua, xuất khẩu thủy sản sang quốc gia tỷ dân này đạt 182,3 triệu USD, tăng 29%, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm, cua, ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp gia tăng.
Báo Công an nhân dân đưa tin: “Quản lý chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử”
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 6/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dự thảo luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở “4 quan điểm và 4 chính sách”; bổ sung 30 điều, bổ sung 17 điều, bãi bỏ 34 điều trong tổng số 7 chương, 72 điều của luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong dự thảo luật cũng đề cập đến việc quản lý chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử.
“Thực tiễn cho thấy, việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỉ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung. Việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người bán trong minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc. Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hàng hóa kém chất lượng” – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho hay, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng dự án Luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật, như: nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Báo Người lao động đăng tin: “Từ vụ sữa giả, kẹo Kera, đề xuất tăng chế tài đủ sức răn đe”
Ngày 6/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: cơ quan thẩm tra lưu ý vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá. Theo ông Lê Quang Huy, đa số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong thời gian qua có nhiều sản phẩm hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhưng kém chất lượng là do công tác hậu kiểm còn yếu, chế tài áp dụng chưa đủ mạnh, chưa tạo sức răn đe. Cơ quan thẩm tra đã dẫn chứng đến các vụ việc sữa giả, vụ kẹo Kera (liên quan đến Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) – PV) thời gian qua.
Do đó, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định (Điều 66 Luật hiện hành) về xử lý vi phạm như tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa để cảnh báo xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên.
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-65-go-nut-that-cho-nang-luong-tai-tao-386298.html